Mạng lưới phân phối Thương mại Đại Việt thời Trần

Nội thương

Chợ là kênh phân phối chủ yếu của mạng lưới thương mại tại đồng bằng sông Hồng. Số lượng chợ khá nhiều, mỗi huyện có vài chợ, chợ này họp lệch phiên với chợ kia[2]. Theo mô tả của sứ nhà Nguyên là Trần Phu đến Đại Việt khi đến kinh thành Thăng Long:

Ngay trong các làng xóm cũng có chợ, khoảng 2 ngày họp một lần, hàng hóa trăm thứ bày la liệt. Hễ cứ 5 dặm dựng 1 ngôi nhà, 4 phía có đặt chõng để làm nơi họp chợ.

Ngoài chợ, hàng hóa còn được phân phối qua các phố. Các trung tâm phủ lỵ bên sông lớn, đầu mối giao thông thủy bộ đều có phố. Phố Luy Lâu[3] bên bờ sông Dâu là nơi buôn bán cố định. Bờ sông Nghĩa Trụ[4] còn có phố Lố cũng được hình thành vào thời Trần[2].

Chợ và phố là hai kênh phân phối của thị trường địa phương các hương, phủ nhằm giải quyết nhu cầu của các tầng lớp nhân dân.

Ngoại thương

Đối với ngoại thương, ngoài con đường biên giới trên bộ để thông thương với Trung Quốc, hải cảng là con đường thông thương chủ yếu với các quốc gia khác. Cảng Vân Đồn là đầu mối tiếp nhận hàng hóa quốc tế quan trọng nhất từ thời . Bên cạnh đó còn có các cảng Hội Thống, Cần Hải[5], Hội Triều[6]. Những nơi này thu hút khá nhiều thương nhân nước ngoài và hàng hóa; đồng thời cũng là nơi xuất khẩu hàng hóa của Đại Việt.

Đối tác tới buôn bán tại các thương cảng là Trung Quốc, Diệp Điều (Java), Thiện (Miến Điện), Thiên Trúc (Ấn Độ). Các thuyền buôn nước ngoài không được phép vào sâu trong nội địa, chỉ được phép cập bến ngoài một số cảng sau khi nộp đủ một số phương vật quý cho triều đình.

Vân Đồn là cảng lớn nhất, nhưng từ sau cuộc chiến chống Mông-Nguyên, biệc buôn bán bị hạn chế. Nhà Trần chuyển nơi đây thành nơi phòng thủ vì nhu cầu quốc phòng, tuy nhiên vẫn cho phép một số thuyền buôn nước ngoài vẫn thường xuyên ra vào[7].

Ngoài tiền do triều đình đúc, nhà Trần cho phép lưu hành tiền của nhà Tống.

Đô thị buôn bán lớn nhất là kinh thành Thăng Long, có 2 cửa mở thông ra 2 cảng sông: Giang Khẩu[8] và Đông Bộ Đầu.

Người buôn bán ở kinh thành chủ yếu cũng là người sản xuất trong các phường. Họ là thợ thủ công kiêm thương nhân, một số là thương nhân chuyên nghiệp, trong đó có thương nhân nước ngoài - chủ yếu là người Trung Quốc và một số người Hồi Ngột(người Uighur)[9].

Chiến tranh với nhà Nguyên khiến việc buôn bán ở kinh thành Thăng Long bị ảnh hưởng trong nhiều năm. Kinh thành bị chiếm đóng 3 lần và bị phá hủy cả ba lần, phải mất nhiều thời gian và công sức xây dựng lại.